Lượt xem: 435

“Hành trình” phát triển cây màu trên đất Cù Lao

Mặc dù đang bước vào thời điểm nắng nóng gay gắt của những ngày tháng 3, nhưng khi đến vùng đất Cù Lao Dung thì cái nóng đã hạ nhiệt, bởi bao quanh huyện là bốn bề sông nước. Cái nóng càng được xoa dịu đi phần nào, khi chúng tôi đến tham quan rẫy trồng màu của hộ dân tại huyện. Từng rẫy màu xanh non mơn mởn, xa xa có vài rẫy màu đang bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ, làm cho không khí bình yên của buổi trưa trở nên náo nhiệt hơn, bởi tiếng cười nói giòn tan của bà con nông dân trong mùa thu hoạch nông sản.

 


Ông Lê Văn Nuôi (bìa trái), xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng bên rẫy khoai lang còn 1 tháng nữa cho thu hoạch.

 

    Hơn 70 tuổi đời, ông Lê Văn Nuôi, xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung đã có mấy mươi năm gắn bó với cây mía và hơn 10 năm đồng hành với cây màu. Ông Nuôi cho biết, nhờ trồng cây màu đã giúp ông cải thiện kinh tế gia đình rất nhiều, mấy mươi năm trước đường giao thông nông thôn tại địa phương chưa có, nên người dân đi lại chủ yếu bằng đường thủy. Do đó, để tiêu thụ được sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thì buộc phải trồng cây mía, vì mía thu hoạch chỉ 1 lần/năm, tuy thời gian trồng mía dài nhưng giá bán mía lại thấp, đời sống nông dân khó khăn.

    “Hơn 10 năm trở lại đây, kinh tế huyện có nhiều bước phát triển, các tuyến đường giao thông nông thôn đã thông suốt liền mạch, thương lái đã đến tận rẫy thu mua nông sản nên hộ dân chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng cây mía sang trồng cây ăn trái, trồng màu, từ công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương. Riêng tôi, với diện tích 1 ha đất trồng mía, tôi đã chuyển sang trồng ổi, sau vài năm ổi già cỗi thì chuyển sang trồng khoai lang. Khoai lang được tôi trồng tính đến nay đã 10 năm, khoai lang trồng 2 vụ/năm, công trồng và chăm sóc khoai cực hơn so với trồng mía. Tuy nhiên, thời gian thu hoạch ngắn từ 4 - 5 tháng xuống giống đã cho thu hoạch được củ, năng suất khoai ổn định từ 25 - 45 tấn/ha/vụ, trừ chi phí đầu tư, trồng khoai lang đem về thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Hiện tại, vụ khoai năm 2014 của tôi đã trồng được 4 tháng, tháng tới sẽ thu hoạch củ, ước năng suất 30 - 40 tấn/ha”, ông Nuôi chia sẻ thêm.

    Ông Trương Bửu Lễ, xã An Thạnh Tây cho biết: “Nhiều hộ xung quanh chọn trồng khoai lang chuyên canh, riêng tôi chọn trồng khoai mì xen canh khoai lang, vì khoai mì có ưu điểm là không phải tốn công chăm sóc, không cần xới đất, chỉ cần làm đất, lên liếp là trồng được, năng suất khoai khá tốt và giá bán ra thị trường ổn định. Khoai mì cho năng suất từ 35 - 40 tấn/ha, giá bán từ 4.000 - 7.000 đồng/kg, trừ chi phí thì lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/vụ/ha/năm. Tới đây, tôi vẫn tiếp tục duy trì việc trồng khoai mì, khoai lang và tìm hiểu thêm loại nông sản có giá trị kinh tế cao đưa vào trồng xen canh với cây khoai, nhằm góp phần tăng thu nhập cho gia đình”.

    Ông Nguyễn Chí Hải, xã An Thạnh Tây chia sẻ: Tôi có thời gian dài trồng mía, hiệu quả kinh tế từ cây mía đem lại trong những năm trước không được tốt. Khi địa phương tuyên truyền chuyển đổi cây mía sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, tôi đã chuyển hẳn từ trồng mía sang trồng nhiều loại cây trồng khác nhau như ổi, chanh, chuối sáp… nhưng thu nhập không được cải thiện nhiều. Vì vậy, tôi quyết định chọn trồng cây bắp lai, giống bắp dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi. Diện tích 4.000m2 đất tôi trồng bắp 2 vụ/năm, bắp trồng hơn 3 tháng đã thu hoạch, năng suất bắp tốt nhất là trồng vào thời điểm tháng 8 - tháng 11 dương lịch. Với diện tích trồng bắp 4.000m2, sản lượng bắp sau thu hoạch gần 10 tấn trái/năm, giá bắp được thương lái thu mua ổn định từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi sẽ duy trì tốt diện tích trồng bắp lai và trồng thêm một số loại nông sản khác trong rẫy bắp để tăng thu nhập cho gia đình. Bởi thông qua trồng màu mà đời sống gia đình tôi ngày một ổn định hơn, khấm khá hơn so với trước.


Ông Nguyễn Chí Hải (thứ 2 từ trái sang), xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung tỉnh Sóc Trăng khoe rẫy bắp lai của gia đình, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. 


    Huyện Cù Lao Dung có diện tích trồng màu là 8.600 ha, tập trung tại hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện, với đa dạng các loại màu như: Khoai lang, khoai mì, khoai môn, bí đao, củ sắn, khoai từ, dưa hấu, đậu xanh, ớt… Tùy vào vùng đất mà hộ dân sẽ chọn trồng loại nông sản phù hợp. Những năm về trước, trồng cây màu cho thu nhập tốt hơn trồng mía; tuy nhiên, đầu ra của cây màu không được ổn định, mà theo từng thời điểm trong năm bởi giá bán do thị trường quyết định.

    Đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, thông tin: Huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi trong phát triển diện tích cây màu, nhưng giá cây màu của hộ dân trên địa bàn huyện bán ra chưa được ổn định do chưa có công ty, doanh nghiệp kết nối tiêu thụ nông sản sau thu hoạch, nên bà con nông dân bán nông sản chủ yếu qua thương lái. Để hỗ trợ bà con nông dân trong việc trồng và tiêu thụ tốt nông sản sau thu hoạch, huyện sẽ tìm kiếm đơn vị ký kết hợp đồng liên kết thu mua nông sản cho bà con nông dân; đồng thời, khuyến khích bà con lựa chọn cây màu vừa phù hợp vùng đất canh tác, vừa đem lại giá trị kinh tế cao; tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hộ dân canh tác màu để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất cây trồng sau thu hoạch.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 79
  • Hôm nay: 7640
  • Trong tuần: 78,347
  • Tất cả: 11,801,667